Hơn 69 câu đố, hỏi đáp về dịch Covid 19 có đáp án

Hưởng ứng chiến dịch toàn dân chống dịch như chống giặc. Hãy cùng truyencuoi.org tìm hiểu các câu đố về dịch Covid-19, câu hỏi đáp về dịch bệnh nCoV, hỏi đáp về dịch Covid-19 để nâng cao kiến thức, phòng tránh dịch viêm phổi Vũ Hán hiệu quả.

Dịch Covid-19 (Hay còn gọi là dịch viêm phổi Vũ Hán, gây viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona – nCoV) là một loại dịch bệnh mới đặc biệt nguy hiểm, lây truyền từ động vật sang người, sau đó lây lan từ người sang người với tốc độ nhanh – cả từ người có biểu hiện bệnh cũng như người mang mầm bệnh không có biểu hiện bệnh; tác nhân gây bệnh là chủng virus mới, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh.

Hi vọng những câu đố, hỏi đáp về dịch Covid 19 có đáp án dưới đây có ích cho bạn, chung tay vì cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Đây không phải là truyện cười, đây là kiến thức phòng dịch!

Mục lục truyện

Câu hỏi – đáp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Người bị nhiễm virus gây bệnh Covid-19 có biểu hiện gì?

Không có biểu hiện gì đặc trưng, thậm trí không có biểu hiện gì cho đến khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm đường hô hấp cấp. Đây là giai đoạn ủ bệnh. Điều đặc biệt nguy hiểm là người nhiễm virus gây bệnh Covid-19 trong giai đoạn ủ bệnh vẫn có khả năng làm lây bệnh cho người khác do vẫn phát tán virus ra xung quanh.

Trong một số trường hợp người nhiễm virus gây bệnh Covid-19 không phát triển thành bệnh. Trong thời gian người này mang virus trong người nhưng không có triệu chứng của bệnh (đượcgọi là người lành mang virus) vẫn phát tán virus ra xung quanh, do vậy vẫn có khả năng truyền virus gây bệnh sang người khác.

Những người đã nhiễm virus nhưng còn đang trong giai đoạn ủ bệnh hoặc là người lành mang virus chắc chắn đã tiếp xúc với nguồn bệnh. Vì vậy khai thác tiền sử đi lại, tiếp xúc có ý nghĩa rất quan trọng để tìm yếu tố nguy cơ nhiễm mầm bệnh.

Khi phát bệnh, người bị bệnh Covid-19 có biểu hiện gì?

Khi phát bệnh, các triệu chứng lâm sàng ban đầu hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi, đau cơ. Một số trường hợp có thể có đau họng, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Những trường hợp nặng xuất hiện viêm phổi; khó thở do viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS); suy chức năng các cơ quan.

Nhiễm virus gây bệnh Covid-19 bao lâu thì phát bệnh?

Thông thường từ 02 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh và tùy thuộc vào cơ địa (sức đề kháng) từng người bệnh. Gần đây đã có thông tin thời gian ủ bệnh ở một số bệnh nhân có thể dài hơn đến 3 tuần.

Bị bệnh Covid-19 nếu không được điều trị có thể dẫn đến những hậu quả gì?

Người bị bệnh Covid-19 có thể tiến triển ở nhiều mức độ khác nhau, nhẹ thì có thể tự khỏi, nặng có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển, suy chức năng các cơ quan dẫn tới tử vong.

Theo số liệu đã công bố hiện nay, tỷ lệ tử vong khoảng trên 2%. Cá biệt tại một số quốc gia như Italia, tỷ lệ tử vong đã lên tới gần 10% và dự báo tiếp tục tăng. Bệnh diễn biến nặng thường xuất hiện ở những người có bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch, người cao tuổi.

Có phải cứ ho, sốt là bị bệnh do Covid-19 hay không?

Không phải cứ có ho, sốt là bị bệnh do Covid-19.

Ho, sốt là biểu hiện của nhiều bệnh lý cấp và mãn tính khác nhau liên quan đến đường hô hấp. Bệnh do Covid-19 là một bệnh viêm đường hô hấp cấp. Có nhiều nguyên nhân có thể gây viêm đường hô hấp cấp tính như các loại vi khuẩn gây bệnh; các loại virus như virus cúm mùa, virus á cúm, virus hô hấp hợp bào…

Để khẳng định chắc chắn bị bệnh do Covid-19 thì cần làm những xét nghiệm gì?

Hiện nay, kỹ thuật xác định Covid-19 gồm kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) và kỹ thuật Real time RT-PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập và bảo quản trong môi trường phù hợp.

Theo quy định hiện nay của Bộ Y tế, xét nghiệm khẳng định chắc chắn bị bệnh do Covid-19 được tiến hành tại các cơ sở y tế được Bộ Y tế cho phép thực hiện và công bố kết quả xét nghiệm.

Hiện nay đã có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh Covid-19 chưa?

Rất tiếc là Chưa

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức y tế khác chưa có khuyến cáo thuốc điều trị đặc hiệu nào cho bệnh viêm phổi do Covid-19. Một số thuốc kháng virus đang được nghiên cứu về hiệu quả điều trị và tính an toàn cho bệnh nhân Covid-19.

Các biện pháp chính để điều trị bệnh Covid-19 là gì?

Hiện nay, do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ nâng đỡ thể trạng, sức đề kháng và điều trị tuỳ theo triệu chứng.

cau-hoi-dap-ve-dich-covid-19

Hỏi đáp về dịch Covid-19

Bệnh Covid-19 lây truyền bằng cách nào?

Covid-19 là bệnh của đường hô hấp, có tác nhân gây bệnh phát tán từ dịch tiết đường hô hấp vào không khí rồi lây lan ra xung quanh. Virus gây bệnh Covid-19 lây truyền từ người sang người qua ba đường chính: Giọt bắn, aerosol và tiếp xúc bề mặt có virus.

Người (hoặc những người) đầu tiên nhiễm virus từ động vật truyền sang có tiếp xúc với nguồn chứa virus do động vật phát tán (chất thải, dịch tiết, thịt sống…). Từ những nguồn này virus
gây bệnh Covid-19 đã nhiễm vào các tế bào ở đường hô hấp của người nhiễm mầm bệnh. Tại đây, virus nhân lên gây bệnh cho đường hô hấp, đồng thời phát tán ra ngoài qua đường hô hấp trên của người bệnh để rồi lây truyền từ người này sang người khác.

Từ trong đường hô hấp của người nhiễm mầm bệnh (có thể có triệu chứng bị bệnh hoặc không), virus gây bệnh Covid-19 được phát tán ra bên ngoài khi người mang mầm bệnh ho, hắt hơi (mà không đeo khẩu trang) làm bắn ra các giọt chất lỏng kích thước từ 5 micromet trở lên gọi là giọt bắn làm người xung quanh hít phải các giọt bắn chứa virus và nhiễm bệnh.

Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc được chăm sóc y tế bằng các thủ thuật hút đờm dãi hoặc khí dung, virus từ đường hô hấp được phát tán ra trong các giọt có kích thước dưới 5 micromet vào không khí làm người xung quanh hít phải không khí chứa virus và nhiễm bệnh; virus từ các giọt bắn hoặc không khí bám vào các
bề mặt (khẩu trang, quần áo, đồ dùng xung quanh…), sau đó người khác chạm vào bề mặt này và nhiễm virus gây bệnh.

Từ ba đường lây chính này, các biện pháp dự phòng được khuyến cáo là đeo khẩu trangrửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng.

– Đối với người bệnh có triệu chứng hoặc người mang mầm bệnh không triệu chứng (mới bị nhiễm còn đang ở giai đoạn ủ bệnh hoặc người mang mầm bệnh không triệu chứng thực thụ), đeo khẩu trang là cách hiệu quả để ngăn phát tán giọt bắn ra môi trường xung quanh khi ho hoặc hắt hơi. Những người này cần đeo khẩu trang và cách ly là thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, giúp hạn chế nguồn tác nhân gây bệnh truyền nhiễm ra cộng đồng.

– Người chưa nhiễm virus đeo khẩu trang y tế thông thường đúng cách đã có thể ngăn ngừa một cách hiệu quả đường lây nhiễm do giọt bắn.

– Lây qua đường không khí thường chỉ gặp trong tình huống chăm sóc y tế có tiến hành các thao tác khí dung hoặc hút đờm rãi, do vậy chỉ nhân viên y tế hoặc người nhà chăm sóc người bệnh mới cần các loại khẩu trang y tế chuyên dụng như N95.

– Rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi tiếp xúc với các bề mặt có nguy cơ cao (che miệng khi ho, hắt hơi; chạm tay vào khẩu trang đã sử dụng, ống tay áo che mũi/miệng khi ho, hắt hơi; tay nắm cửa, nút bấm thang máy, điện thoại di động…), đồng thời tập thói quen không cho tay bẩn vào miệng, mũi, mắt là cách hiệu quả nhất để ngăn cản đường lây qua tiếp xúc bề mặt có virus.

Virus gây bệnh Covid-19 có nhân lên trong môi trường tự nhiên không?

Không.

Virus gây bệnh Covid-19 nói riêng và virus nói chung không tự nhân lên được. Virus phải “mượn” tế bào sống để nhân lên bằng cách “khống chế” tế bào chủ “làm việc” cho virus. Sau khi nhiễm được vào tế bào virus sẽ kiểm soát tế bào chủ bằng cách cài các gen của virus vào bộ gen của tế bào chủ, bắt tế bào bị nhiễm virus tạo ra các thành phần của virus.

Khi đã đủ các thành phần cần thiết, các thành phần này lắp ghép lại với nhau để hình thành nhiều virus mới, đồng thời làm tổn thương cho tế bào bị nhiễm virus.

Do virus gây bệnh Covid-19 không nhân lên trong môi trường tự nhiên, việc vệ sinh môi trường, sát trùng các đồ vật và bề mặt bị nhiễm có tác dụng rất lớn trong phòng chống dịch bệnh.

Virus gây bệnh Covid-19 tồn tại bao lâu trong môi trường tự nhiên?

Có thể từ vài tiếng đến vài ngày tùy vào điều kiện của môi trường.

Trong môi trường tự nhiên, virus chỉ tồn tại nguyên dạng và không nhân lên, do vậy thời gian sống của virus trong môi trường tự nhiên là thời gian tồn tại của một thế hệ virus. Thời gian này là bao lâu sẽ phụ thuộc vào bản chất của virus và các điều kiện tự nhiên.

Thông thường, ở nhiệt độ lạnh virus sẽ tồn tại lâu hơn, nhất là nhiệt độ lạnh âm sâu; các yếu tố khác như độ ẩm, chất liệu bề mặt (đất, gỗ, sắt…) cũng ảnh hưởng đến thời gian tồn tại của virus; đặc biệt ánh sáng mặt trời có tác dụng tiêu diệt virus rất hiệu quả.

Đã có một số nghiên cứu cho thấy virus gây bệnh Covid-19 có thể sống được đến vài ngày, thậm chí đến 9 ngày trong môi trường.

Vì thế, các biện pháp vệ sinh môi trường có vai trò hết sức quan trọng trong việc triệt tiêu nguồn tác nhân gây bệnh có trong môi trường. Không nên chủ quan cho rằng virus đã bị tiêu diệt bởi các yếu tố từ môi trường.

Mặt khác, môi trường sống thông thoáng, có ánh nắng mặt trời cũng có ý nghĩa rất tốt làm giảm bớt các tác nhân gây bệnh, trong đó có virus gây bệnh Covid-19 từ môi trường.

Vì sao phải rửa tay bằng xà phòng?

Rửa tay bằng nước sạch mới làm giảm tác nhân như vi khuẩn, virus… Xà phòng là một hợp chất chứa acid béo este hóa và hydroxit natri hoặc hydroxit kali có tính năng tẩy rửa. Nhờ chất tẩy rửa có trong thành phần cấu tạo mà xà phòng có tính năng làm sạch.

Những chất tẩy rửa này có sức căng bề mặt lớn, có tác dụng loại bỏ chất bẩn, chất hữu cơ có trên bàn tay. Vì vậy, rửa tay bằng xà phòng làm giảm hơn nữa nguy cơ nhiễm virus gây bệnh Covid-19. Tuy nhiên lưu ý cần sử dụng loại xà phòng sát trùng mới có hiệu quả tiêu diệt virus gây bệnh Covid-19.

Vì sao khi rửa tay với xà phòng cần phải rửa tối thiểu trong 30 giây?

Vì đây là thời gian tối thiểu để thực hiện đủ 6 bước rửa tay thường quy. Mặt khác, muốn tăng hiệu quả sát trùng của xà phòng thì cần thời gian để hóa chất trong xà phòng tiêu diệt tác nhân gây bệnh trên tay.

Hỏi đáp về dịch Covid-19. Đeo khẩu trang y tế như thế nào là đúng cách?

Khi đeo đảm bảo tay sạch, luôn đeo mặt chống thấm ra ngoài, chỉnh thanh kim loại cho ôm sát mũi và quai đeo chắc chắn. Khẩu trang phải chùm kín được mũi, miệng. Không sờ tay vào mặt ngoài trong suốt quá trình sử dụng.
Khi tháo phải vệ sinh tay, dùng tay tháo dây đeo và chỉ cầm dây đeo bỏ vào thùng rác, không sờ vào mặt ngoài khẩu trang. Thời gian đeo khẩu trang dùng một lần khoảng 6 – 8 giờ.

Nhận thức đúng đắn, tránh nhiễu loạn bởi các tin giả đồn nhảm, nâng cao kiến thức phòng bệnh và sức khoẻ, phát huy sức đề kháng của bản thân, đọc truyện cười cô vy giữ tinh thần sảng khoái là cách tốt nhất chống dịch.

de-khang-phong-dich

Cách ly

Có mấy hình thức cách ly?

Việt Nam có 4 vòng cách ly.

  • Người nhiễm nCoV (F0) sẽ phải điều trị và cách ly tại bệnh viện.
  • Người tiếp xúc với người nhiễm nCoV (F1) sẽ phải cách ly tại cơ sở y tế.
  • Người tiếp xúc với người nghi nhiễm (F2) và người từ vùng dịch về hoặc nhập cảnh Việt Nam (từ 21/3) phải cách ly tập trung bắt buộc.
  • Người tiếp xúc với F2 có thể cách ly tại nhà.

Việc cách ly quyết liệt mang lại lợi ích gì?

Cách ly quyết liệt sẽ giảm tổn thất cho xã hội. Việc cách ly một khu phố, một tòa nhà… không tốn kém bằng việc để dịch bệnh lây lan. Chi phí sinh hoạt cho 10.000 người như ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) có thể rẻ hơn rất nhiều so với chi phí điều trị 1.000 người mắc bệnh.

Quan điểm phòng chống dịch của Việt Nam là phân tuyến điều trị bệnh nhân ngay từ tuyến dưới, hạn chế vận chuyển lên tuyến trên; giảm mật độ cách ly để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, giảm quá tải cho nhân viên y tế.

Ai phải cách ly tập trung?

Người (F1) tiếp xúc gần với người bệnh (F0) và toàn bộ người nhập cảnh vào Việt Nam từ 21/3 phải cách ly tập trung. Một số địa phương như Hà Nội nâng mức cách ly tập trung đối với F2, F3.

Ai phải cách ly tại nhà?

Là người (F2, F3, F4, F5) không có triệu chứng nghi nhiễm nCoV song tiếp xúc gần với người nguy cơ nhiễm bệnh.

Cách ly tại nhà như thế nào?

Người cách ly không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú; giữ phòng thoáng khí, vệ sinh phòng thường xuyên, không ăn chung và tiếp xúc với người thân; tự đo nhiệt độ 2 lần một ngày (sáng, chiều), ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày. Người cách ly thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.

Trường hợp nào được rút ngắn thời gian cách ly?

Thời gian cách ly tối thiểu 14 ngày, chưa có quy định rút ngắn. Tuy vậy, người đang cách ly tại cơ sở tập trung, sau 3 ngày đã xét nghiệm âm tính có thể chuyển về cách ly tại cộng đồng.

Có được chọn nơi cách ly không?

Địa điểm cách ly phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất của địa phương và sự điều phối của cơ quan chức năng. Người cách ly nên trao đổi với cán bộ điều phối để có thông tin cụ thể.

Được phép mang những gì vào khu cách ly?

Bạn có thể mang theo hầu hết đồ dùng cá nhân thiết yếu và gọn nhẹ. Tuy vậy, vì phải sống trong tập thể, các vật dụng chiếm nhiều diện tích, ảnh hưởng người xung quanh như loa đài âm lượng lớn… sẽ bị hạn chế.

Chi phí khi cách ly thì sao?

Người cách ly không phải trả chi phí nếu cách ly tập trung trong các cơ sở được chính quyền chỉ định. Người cách ly tự nguyện trả chi phí nếu cách ly trong các khách sạn theo yêu cầu.

Chính sách cách ly với khu chung cư, khu dân cư có người nhiễm bệnh

Các khu dân cư, tòa nhà có thể bị phong tỏa toàn bộ, hoặc một phần tùy thuộc vào mức độ hoạt động của bệnh nhân. Cơ quan y tế sẽ khử trùng hàng ngày, kiểm soát người ra vào, chính quyền tiếp viện thực phẩm cho người dân.

Làm gì khi thấy nguy cơ

Tôi nghĩ mình bị nhiễm nCoV, tôi nên làm gì?

  1. Khai báo tình trạng sức khoẻ thông qua ứng dụng NCOVI trên điện thoại. – Thông báo với nhà chức trách qua đường dây nóng Bộ Y tế 19009095 – 1900 3228, đường dây nóng các bệnh viện hoặc sở Y tế các địa phương.
  2. Thông báo cho những người tiếp xúc gần trong 14 ngày qua, để khai báo y tế và có biện pháp cách ly phù hợp.

Các loại xét nghiệm Covid-19

Việt Nam đang áp dụng 3 kỹ thuật xét nghiệm Covid-19:

  1. Xét nghiệm nhanh đối với bệnh phẩm đường hô hấp, máu;
  2. Xét nghiệm miễn dịch học (ELISA) đối với bệnh phẩm đường hô hấp, máu;
  3. Xét nghiệm sinh học phân tử (Realtime RT-PCR) để phát hiện ARN của virus corona trong bệnh phẩm đường hô hấp.

Trong đó, kỹ thuật sinh học phân tử cho kết quả chính xác nhất. Theo quy định của Bộ Y tế, mẫu bệnh phẩm ban đầu sẽ được xét nghiệm nhanh, nếu cho kết quả dương tính sẽ tiếp tục xét nghiệm sinh học phân tử để khẳng định có nhiễm Covid-19 hay không.

Những địa chỉ xét nghiệm Covid-19

22 cơ sở được Bộ Y tế cấp phép xét nghiệm Covid-19:

  1. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
  2. Viện Pasteur TP HCM
  3. Viện Pasteur Nha Trang
  4. Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên
  5. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội
  6. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đà Nẵng
  7. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Cần Thơ
  8. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Yên Bái
  9. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lào Cai
  10. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Ninh
  11. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
  12. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM
  13. Bệnh viện Chợ Rẫy
  14. Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên
  15. Bệnh viện Trung ương Huế
  16. Bệnh viện Nhi Trung ương
  17. Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ
  18. Bệnh viện Bạch Mai
  19. Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM
  20. Viện Y học Dự phòng quân đội
  21. Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga
  22. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Tham khảo: https://ncov.moh.gov.vn/

TruyenCuoi.Org tổng hợp và biên soạn

5/5 - (1 vote)

Truyện cười nên đọc